Bạn đang chán nản về công việc của bạn, bạn cảm thấy ngành nghề mình chọn là 1 sai lầm,bạn không thích công việc hiện tại,…=> Bạn đang là một người thất bại
Và lời nói dối của kẻ thất bại như bạn, hoặc những người khác thường dùng để bao biện cho cái sự thất bại của mình đó là “tôi không biết mình thích gì”
Có thể bạn không đồng ý hoặc phản ứng với những lời nói này. Nhưng khoan, bạn hãy từ từ đọc hết bài viết này đã, nếu bạn đã đọc xong rồi mà bạn vẫn không đồng ý thì mới nên giữ cái quan điểm của mình nhé ^_^
Bài viết này không chỉ cho bạn cách để thành công, bài viết này chỉ giúp bạn nhận ra mình thích gì và giúp bạn nhìn nhận được hiện thực khắc nghiệt để bám vào cái thực tế đó mà sống
Mục lục
Tôi không biết mình thích gì
Ví dụ cho bạn một cái nghề, chẳng hạn nghề bán bánh xèo chẳng hạn. Ngày đầu tiên bạn lời 5 triệu, ngày thứ hai bạn lời 7 triệu,… bạn có thích không?
Ví dụ bạn mở quán bán trà sữa, ngày đầu tiên bạn lời 10 triệu, ngày thứ hai bạn lời 7 triệu, ngày thứ 3 bạn lời 9 triệu,… bạn có thích không?
Ví dụ bạn đang là học sinh, và bạn cảm thấy chán nản việc học. Nhưng đột nhiên vì lý do gì đó mà khi giáo viên hỏi bài bạn bạn trả lời được hết, khi kiểm tra câu nào bạn cũng làm được hết, các bạn trong lớp ngưỡng mộ bạn,… bạn có thích không?
Hoặc như hiện tại bạn đang chán nản công việc của mình. Nhưng đột nhiên ngày hôm sau bạn hên hên được thăng chức, thu nhập tăng gấp mấy lần thì bạn có còn ghét công việc hiện tại của mình nữa không? Hay là bạn sẽ nghĩ à cái công việc này cũng không tệ, và bạn lại thấy thích công việc đó?
Tóm lại, nếu bạn làm bất cứ một công việc nào đó và thành công thì bạn có thích không?
Vậy có phải “tôi không biết mình thích gì” là 1 lời nói dối của kẻ thất bại không? Bạn biết rất rõ bạn thích gì, chỉ là cái thích của các bạn nó quá phi lí, quá viễn vông, quá khờ khạo ở cuộc đời này
Tại sao chúng ta lại nói dối? Tại sao chúng ta lại thích đi tuyên bố với mọi người là “tôi không biết mình thích gì”. Đó là tại vì mình đã chạm được cái thất bại và cái khó khăn của những công việc mình làm, mình gặp những thử thách, gặp những thất bại, mình chán, mình nản, mình không chinh phục được cái thử thách đó.
Và mình phát hiện ra mình đâu có thích gì cái công việc này đâu. Bắt đầu sự xạo xạo lên ngôi, mình đi la làng với thế giới là “tôi không biết mình thích gì”. Hồi đầu tôi thích nhưng tôi chợt nhận ra mình không thích nó. Có khi các bạn nói dối, bản thân của các bạn cũng không nhận ra luôn.
Tôi thích 1 công việc thuận lợi và không có thất bại
Sự thật là những kẻ thất bại không phải là “tôi không biết mình thích gì” mà là “Tôi thích 1 công việc thuận lợi và không có thất bại”
Và nếu được chọn, các bạn có thể làm và thích mọi công việc trên đời miễn là nó dễ, nó thuận lợi, thành công và không có thất bại
Tuy nhiên, sự thật là chẳng có công việc nào trên đời mà chỉ có thuận lợi mà không có thất bại. Và cuộc đời sẽ không dung thứ cho những người có ước mơ như vậy, nó sẽ trù dập bạn lên bờ xuống ruộng để rồi sau 5 năm, 10 năm, 20 năm… bạn chợt nhận ra mình vẫn là một kẻ thất bại, và không có 1 cơ hội nào để trở thành 1 người thành công cả.
Tôi không biết mình thích cái gì là một lời nói dối. Rõ ràng chúng ta biết mình thích cái gì, biết rất rõ,nhưng cái biết ở đây là cái gì? Thực chất chúng ta thích một công việc thoải mái và chỉ có thành công thôi. Vậy thì tại sao ta lại la làng lên với cả thế giới là tôi không biết mình thích cái gì?
Tại vì chúng ta không thích thất bại, mặc dù khi chúng ta bước vào một cái lĩnh vực nào đó, chúng ta bị thất bại, chính cái thất bại làm chúng ta la làng lên là tôi không biết mình thích gì. Cuộc đời sẽ không bao giờ tha thứ cho những người có kiểu ước mơ như vậy, và họ sẽ không bao giờ được toại nguyện
Những người thành công thường là những người đã trải qua nhiều thất bại. Người có lợi nhuận cao thường đã bị thua lỗ nhiều lần. Trước khi chúng ta hân hoan với những thành công trong một công việc nào đó thì chúng ta bắt buộc phải trải qua thật là nhiều những nỗi buồn, những sự căng thẳng, tuyệt vọng, không biết là sáng mai mình thức dậy mình làm cái gì
Thường thường khi chúng ta đi vào lĩnh vực mới, hãy nhớ cái thằng ra chào đón mình trong lĩnh vực đó không phải là cái thằng thành công mà chính là cái thằng thất bại. Mở quán thì cái thằng bán đắt, cái thằng đông đúc nó không chào mình đâu, mà cái thằng ế ẩm nó chào mình đầu tiên,…
Nhiều người được hỏi đều biết rằng công việc nào lúc đầu cũng có thử thách, gian nan. Nhưng đó là họ chỉ nói miệng thôi, vì khi thật sự rơi vào thử thách gian nan họ bỏ cuộc ngay. Lời nói họ nói khác nhưng hành vi của họ hoàn toàn là ngược lại. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng gian nan bắt đầu nản rồi đó @_@
Có thật là đam mê, sở thích?
Tôi thấy cái chữ sở thích, cái chữ đam mê nó bị thổi phồng quá đáng ở cuộc sống này. Nó không chỉ bị thổi phồng mà nó còn bị thổi lệch nữa. Rất nhiều người hiểu rằng đam mê và sở thích có nghĩa là mình được làm một công việc chỉ có thắng lợi, chỉ có sự dễ chịu thôi. Nếu mà tôi bắt các bạn thừa nhận cái suy nghĩ đó đảm bảo các bạn chối, nhưng nếu tôi âm thầm quan sát cách bạn sống, cách bạn phản ứng với những thất bại, với những thử thách tôi sẽ biết ngay đâu mới là cái suy nghĩ thật sự của các bạn.
Các bạn thất bại 3 lần các bạn có dám tiếp tục lần thứ 4 không? Hay là các bạn bỏ cuộc? Cái độ lì lợm của các bạn nói lên nhiều thứ về tính cách, về tầm nhìn, về cuộc đời lắm. Tại sao lúc đầu bạn thích? Tại sao sau này bạn không thích? Đam mê và sở thích trước đó của bạn đâu rồi? Khi có sự thất bại can thiệp thì nó lộ ra hết. Và khi nó lộ ra thì chúng ta bắt đầu nói dối để cảm thấy nó ổn
Cái thứ các bạn thích, tôi tin rằng tôi không cần phải hướng dẫn, tại vì hàng ngày các bạn đều có những cái các bạn thích: các bạn thấy đầu tư các bạn thích, các bạn thấy kinh doanh các bạn cũng thích,… tôi thấy cái gì bạn cũng thích hết, tự bản năng các bạn thích à. Nhưng đừng có cái kiểu thích kèm theo vế phụ là phải thuận lợi, chỉ có thành công thôi, không có khó khăn, không có thất bại
Bước vào một cái điều gì đó mình thích, mình phải xác định, ít nhất khi mình ngã nó 3 lần, mình phải đứng lên được ở cái lần thứ 4. Ít nhất là phải như vậy, ít nhất mình phải đi đường dài với nó. Đừng có thay đổi xoành xoạch những thứ mình thích. Phải chinh phục cho hết thì mới tồn tại được trên cuộc đời này
Lời kết
Nói về thành công người ta hay dùng chữ “trụ lại”. Tất cả những thằng khác bị đào thải, bị rớt hết, ai trụ lại được người đó thành công. Tại sao lại dùng chữ trụ lại? Bởi thất bại nó giống như một cơn bão, một cơn gió khủng khiếp, nó đào thải những người kém cỏi, chỉ có người lì mới trụ lại nổi, và những người đó là số ít thành công. Làm sao đó để khi thất bại đến 3 lần mình vẫn còn giữ được cái lửa và vẫn còn biết cố gắng tiếp thì cái đó nó mới thành công.
Cái thích, cái đam mê đôi khi nó chỉ là cái khởi đầu thôi, mình lao vào cái công việc đó, mình sẽ đối mặt với cái hiện thực cuộc sống: công việc vẫn là công việc thôi, khó khăn vẫn là khó khăn thôi, và thử thách vẫn là thử thách thôi, mình qua được hết mấy cái đó mình thành công.
Và khi mình thành công mình sẽ cảm nhận được cái sự thích, cái sự đam mê, cái ý nghĩa ở đây ở một cái tầng khác, mình tự hào vì mình đã vượt qua được thật nhiều khó khăn chứ không phải tự hào vì những thứ khác nữa